Tiểu sử Kính_Hiếu_Nghĩa_Hoàng_hậu

Nguyên rằng Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị là con gái của Khoa Nhĩ Thấm Quận vương Tác Nặc Mộc (索诺木) cùng Khoa Nhĩ Thấm Đại phi - vợ góa của ông nội ruột của Tác Nặc Mộc là Bối lặc Mãng Cổ Tư (莽古思), đồng thời Khoa Nhĩ Thấm Đại phi cũng là mẹ của Hiếu Đoan Văn Hoàng hậu Triết Triết. Như vậy có thể thấy, Khoa Nhĩ Thấm Đại phi là vợ góa của ông cố nội Mãng Cổ Tư của bà. Dã sử cuối đời Thanh hay liên hệ bà là em họ của Hiếu Trang Văn Hoàng hậu Bố Mộc Bố Thái dưới cái tên Tiểu Ngọc Nhi (小玉儿), thực ra Bố Mộc Bố Thái phải là cô họ của bà, vì Tác Nặc Mộc chính là con trai của Trại Tang - cha ruột của Bố Mộc Bố Thái.

Khoảng năm Thiên Mệnh thứ 11 (1626), Mãng Cổ Tư qua đời, Tác Nặc Mộc theo lệ Mông Cổ mà cưới vợ góa của ông nội, cũng là bà nội kế làm vợ của mình. Khoảng năm Thiên Thống thứ 3 (1629), Tác Nặc Mộc chết khi tùy giá Hoàng Thái Cực trong Sự biến Kỷ Tị. Năm thứ 7 (1633), Đa Đạc đến trước Hoàng Thái Cực đề nghị cưới con gái của Khoa Nhĩ Thấm Đại phi, và người được gả là người chị em gái của Ba Đặc Mã, tức Đạt Triết. Năm thứ 9 (1635), Ba Đặc Mã được định gả cho Đa Nhĩ Cổn. Đại để giới nghiên cứu cho rằng, sau khi nhà Thanh nhập quan, chính phủ Mãn Thanh học theo Nho giáo, đối với chuyện Khoa Nhĩ Thấm Đại phi cưới cháu trai của chồng mà có điều kiêng kị, nên đã tiến hành sửa đổi lý lịch của Ba Đặc Mã, do vậy tình trạng thông tin riêng của Ba Đặc Mã trong một thời gian tương đối hỗn loạn[1].

Theo Mãn văn lão đương (满文老档), năm Sùng Đức nguyên niên (1636), khi Hoàng Thái Cực định danh hiệu cho gia quyến Tông thất, đã phong Ba Đặc Mã của Khoa Nhĩ Thấm làm Hòa Thạc Đích Phúc tấn (和硕嫡福晋)[2]. Một người em gái của bà, là vợ của Túc Vũ Thân vương Hào Cách, sau khi Hào Cách chết thì em gái bà cũng liền trở thành Phúc tấn khác của Đa Nhĩ Cổn, là "Ngũ thú Phúc tấn" (五娶福晋), tức là vị Phúc tấn chính thất được cưới lần 5 của Đa Nhĩ Cổn.